Cross-functional Team
Last updated
Last updated
Cross-functional Team (Đội ngũ liên chức năng) là một nhóm làm việc bao gồm các thành viên đến từ nhiều phòng ban hoặc chức năng khác nhau trong tổ chức: phát triển sản phẩm, công nghệ, marketing, sales, pháp chế, vận hành,... Mục tiêu của đội ngũ này là kết hợp các kỹ năng và quan điểm khác nhau để hoàn thành các dự án phức tạp hoặc đạt được mục tiêu chiến lược mà một phòng ban riêng lẻ không thể hoàn thành một cách hiệu quả.
Công ty về giáo dục phát triển một sản phẩm mới Chương trình học Tiếng Trung, để triển khai dự án này công ty quyết định thành lập Team dự án bao gồm nhân sự từ: Development Team (PO, Developer, Tester, BA), Marketing, Sales, Giáo vụ, Học thuật. Trong quá trình triển khai, Team dự án hoạt động dưới sự điều phối cuả một Giám đốc dự án, Team sẽ triển khai dự án từ khâu ý tưởng đến khi đưa ra thị trường và tăng trưởng. Trong suốt quá trình, Team sẽ phối hợp hoàn thành một mục tiêu chung và đóng góp theo các chức năng chuyên môn của mình.
Việc thành lập các Cross-functional Team giúp công ty thực hiện được các mục tiêu chiến lược một cách nhanh chóng hơn. Cách vận hành theo Cross-functional Team sẽ giúp doanh nghiệp:
Tăng cường sự đổi mới, sáng tạo: Cross-functional Team khuyến khích sự đa dạng trong tư duy và quan điểm, từ đó thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới. Khi các thành viên từ các phòng ban khác nhau hợp tác, họ có thể đưa ra các giải pháp sáng tạo và mới mẻ cho các vấn đề phức tạp. Ngoài ra việc cộng tác cũng giúp các thành viên trong Team nâng cao năng lực và hiểu vấn đề tổng quát hơn.
Cải thiện hiệu suất và hiệu quả: Bằng cách kết hợp các kỹ năng và kiến thức từ nhiều phòng ban, Cross-functional Team có thể giải quyết các nhiệm vụ và dự án một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn so với khi các phòng ban làm việc riêng lẻ.
Tăng cường sự phối hợp và giao tiếp: Cross-functional Team cải thiện sự phối hợp và giao tiếp giữa các phòng ban. Điều này giúp giảm thiểu xung đột và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, từ đó nâng cao hiệu suất làm việc của toàn bộ tổ chức.
Tuy nhiên, Cross-functional Team cũng có thể tạo ra tác dụng ngược khi không được vận hành hiệu quả. Vận hành không hiệu quả khiến các vị trí trong Team không hướng đến mục tiêu chung, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Vai trò điều phối trong Team là rất quan trọng, cần phải gắn kết được các thành viên với mục tiêu chung, lợi ích chung; đưa ra được quy trình, quy cách phối hợp giữa các thành viên; từ đó phát huy thế mạnh của mỗi thành viên để đạt được mục tiêu dự án.